Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

Đọc "Samurai" - Hồi ký của Saburo Sakai

Kỷ niệm với Hatsuyo và Saburo

Thời gian đó, tôi say mê tủ sách chiến tranh của nhà Sông Kiên. Tôi đã biết đến Nagatsuka. Đã biết đến Inoguchi và Nakajima, qua các tập Thần Phong Kamikaze. Nhưng Sakai vượt lên trên tất cả bằng giọng văn thiết tha, sôi động và chân thật. Hồi ký toát ra tinh thần ái quốc gần như một đam mê, một dốc hết sức bảo toàn quốc gia bằng tất cả ruột gan và mạng sống. Samouraï toát ra sức mạnh của dân tộc Nhật dám sống và dám chết.

Ba mươi năm sau tôi gặp lại Sakai trong một chợ sách cũ. Tôi nhận ra thiếu úy Saburo Sakai tức khắc. Vẫn nụ cười tươi, vẫn lá cờ mặt trời mọc sau lưng và cả những dòng chữ sôi sục trong huyết quản của anh, trong các vòng xoáy của các khu trục cơ đang nhào lượn trên không phận Thái Bình dương. Tôi nhận ra cả những hòn đảo Rabaul, Truk, Guadalcanal, căn cứ Lae, căn cứ Salamua, quân cảng Moresby và cả Hatsuyo, người yêu của Sakai. So với bản dịch của Nguyễn Nhược Nghiễm in tại Sài Gòn năm 72, bản Pháp văn của Robert de Marolles dầy hơn nhiều mươi trang. Ngày gặp lại Sakai, mua lại được hồi ký của anh, tôi biết vừa tìm được một mảnh vỡ giữa các miểng chai quá khứ.

Tôi đọc lại những trang sách cũ, lần này bằng tiếng Pháp, dưới nền trời xám lạnh không còn những trận nắng hầm mái tôn như lúc xưa, nhưng cảm giác vẫn nguyên vẹn. Vẫn những trận không chiến ác liệt và mối tình tuyệt đẹp của Sakai với Hatsuyo. Mối tình anh em họ mà Sakai giữ kín trong lòng mà giáo dục nề nếp không cho phép Hatsuyo bày tỏ, chỉ có những lá thư với lời lẽ chừng mực kín đáo. Thời niên thiếu, tôi si mê Hatsuyo, si mê đức tính nhẫn nại của thiếu nữ đã đứng giữa mùa đông buốt giá xin từng mũi thêu cho Sakai. Trong chiến tranh, các phụ nữ Nhật khẩn cầu trời Phật độ trì cho người đàn ông mà họ yêu thương tránh được làn tên mũi đạn. Để chứng lòng thành, Hatsuyo phải xin được một ngàn mũi kim thêu tay của một ngàn phụ nữ qua đường để gửi đến Sakai tấm khăn lụa của tình yêu được chứng giám.

Một lần về phép, Sakai đến thăm chú thím mình, ông bà Hirokawa, với hy vọng trông thấy cô em họ. Buổi tối chỉ còn lại hai người trong phòng khách, Hatsuyo mời Sakai ngồi lại để nghe cô đàn một bản đàn mà qua tiếng dương cầm Hatsuyo hy vọng Sakai sẽ hiểu được lòng mình. Lễ giáo không cho phép cô thổ lộ tình cảm thật, chỉ còn lại tiếng đàn. Trong thâm tâm, Hatsuyo hờn trách Sakai đã không hỏi cưới mình, tuy biết huyết thống quá gần không cho phép hôn nhân. Cả dòng họ không ai hay biết mối tình này. Tiếng đàn của Hatsuyo cất lên, trầm bổng, đôi khi mãnh liệt như Hatsuyo muốn giải bày tình yêu mãnh liệt của lòng mình và muốn phá vỡ sự câm nín của Sakai. “Hãy nói yêu em” là những thanh âm phát lên từ những cung bậc của đàn dương cầm. Và Sakai vụt hiểu.....

Nhưng Nhật Bản rơi vào biển lửa của hàng vạn pháo đài bay liên tục trải thảm mà các chiến đấu cơ Mitsubishi A6M Zéro không còn đủ sức nghênh cản khi các đoàn oanh tạc cơ này được hàng đoàn khu trục Grumman F6F Hellcat tối tân, bay nhanh hơn, đông đảo hộ tống. Nhật Bản không còn chọn lựa nào khác ngoài tử chiến đến cùng.

Đảo Lưu huỳnh đi vào lịch sử thế chiến với tên gọi tàn khốc “Địa ngục của địa ngục”. Task Force 58 của đô đốc Mitscher tập trung oanh kích Không đoàn Yokosuka của Sakai trên đảo Iwo Jima. Đến mức hải quân đại tá Mioura quyết định khiển dụng tất cả máy bay còn lại cho trận tấn công quyết tử trước khi Iwo Jima thành bình địa. Mệnh lệnh rõ rệt: Không trở về. Lao xuống các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ. Bằng mọi giá chặn kẻ thù vào biển Nhật. Chưa phải một đơn vị Thần Phong nhưng Không đoàn lừng danh Yokosuka không còn chọn lựa chiến thuật nào khác. Thiếu úy Saburo Sakai cất cánh tức khắc, với hình ảnh duy nhất: gương mặt của Hatsuyo trên nền biển Thái Bình.

Trận không chiến diễn ra ác liệt, trên tổng số máy bay Nhật, chỉ có mỗi máy bay của Sakai và hai máy bay bên cánh trở về. Khác các Kamikaze, Sakai là một phi công khu trục đã từng bắn hạ nhiều máy bay Mỹ, nên dù mang sứ mệnh tự sát, Sakai vẫn phản xạ bằng phản ứng của một phi công kinh nghiệm. Suốt chuyến bay khi gặp nghênh cản, rồi chiến đấu thoát vòng vây, Sakai bị dằn vặt bởi ý nghĩ phản bội, không hoàn thành nhiệm vụ, vì muốn sống để quay trở về với Hatsuyo, nhưng bay về nửa đường Sakai quyết định quay lại hạm đội Mỹ để đâm xuống lần nữa, rồi tới gần hạm đội này, anh lại quyết định quay về Iwo Jima tìm đường sống, tìm lại Hatsuyo. Sakai bị giằng co như vậy nhiều lần, cho đến lúc màn đêm buông xuống và anh không còn trông thấy gì nữa, đành trở về. Những ngày sau trung tá Nakajima cho Sakai hay Bộ Tư lệnh Tiền phương quyết định cho các phi công kinh nghiệm trở về Nhật Bản làm công tác huấn luyện. Sakai rời Iwo Jima ngay trước ngày đổ bộ của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, với ý nghĩ anh đã phản bội đồng đội.

Ngày phó đô đốc Onishi chính thức thành lập phi đoàn Thần Phong tự sát và Hiroshi Nishizawa, người bạn thiết cuối cùng tử trận, dưới đáy cùng của tuyệt vọng Sakai viết thư cho Hatsuyo để nói anh yêu cô, trước khi quá muộn. Mười hai ngày sau, tại Không đoàn Matsuyama, Sakai được tin có thân nhân đến thăm. Bước ra phòng tiếp tân, Sakai ngỡ ngàng trông thấy thím anh và Hatsuyo. Anh sợ hãi vì bức thư bộc bạch lộ liễu tình yêu của mình đã xúc phạm gia đình chú thím. Nhưng Hatsuyo đã tiến lại và nói: Em đến đây để làm vợ anh, dù ngày mai anh phải chết, em được giáo dục để chết theo một samouraï. Dòng họ chúng ta là một dòng họ samouraï, thì không vì lý do gì mà em không được chết theo anh. Saburo, em đến đây để làm vợ anh.

Sakai hãy còn quá bất ngờ thì thím anh đã lên tiếng: Các con hoàn toàn xứng đáng, huyết thống không còn là một ngăn trở. Ngày 11 tháng 2-1945, Sakai làm lễ thành hôn với Hatsuyo. Thay vì nhẫn cưới, Hatsuyo nhất quyết bắt anh phải tặng cho cô con dao thật bén của võ sĩ đạo để khi hay tin anh chết, cô sẽ tự vẫn. Ðám cưới diễn ra không ban nhạc, trong tiếng còi hụ báo động và trận bom làm rung chuyển tầng hầm. Sakai sẽ là phi công Nhật cất cánh bắn hạ pháo đài bay B-29 cuối cùng rơi trên đất Nhật và sống sót trở về. Khi Thiên hoàng đọc lệnh đầu hàng, Sakai lang thang suốt đêm, đầu óc cùng quẫn vì quẫn trí rồi chạy như điên trong thành phố về nhà vì chợt nhớ Hatsuyo đang đợi anh, nếu nghi anh tự vẫn cô sẽ tự tử chết cùng. Khi Sakai ập vào nhà, Hatsuyo xanh tái ôm chầm lấy chồng: “Khi nghe lệnh đầu hàng, em đã khóc như một đứa trẻ. Có thật chấm dứt rồi không? Chiến tranh, những trận bom, tất cả không còn nữa?” Sakai chỉ biết lập lại: Nhật Bản đã bại trận. Hatsuyo rút lưỡi dao giắt ở đai lưng áo kimono, ném xuống đất: “Nhật Bản đã bại trận nhưng anh đã chiến thắng tất cả những trận đánh của anh. Kể từ bây giờ em không còn cần con dao này nữa.” Lưỡi lam sáng lóa, biếc ngời, lăn trên sàn cho đến khi bất động.

Đó là câu chuyện của Saburo Sakai và Hatsuyo Hirokawa. Câu chuyện có rất nhiều thần chết. Saburo Sakai được xem phi công kỳ tài đã bắn rơi 64 phi cơ Đồng Minh. Hiếm có hồi ký chiến trường nào tường thuật tỉ mỉ chi tiết không chiến với nhiều sôi động tâm tính con người như trong hồi ký của Sakai. Bên cạnh, Bay đêm hay Phi công thời chiến của Saint Exupéry là một vũ trụ im lặng. Bên cạnh, Chuyến săn của Heinz Knoke là một cỗ máy vô tình. Ngay cả hồi ký Phi công đâm bổ Stuka của Hans Rudel cũng không sánh bằng ở mức độ dữ dội, đặc biệt trong chương với một mảnh đạn đại liên ghim vào đầu và một mảnh đạn trong mắt, Sakai mù lòa cố gắng vượt 700 cây số từ Guadalcanal bay về Rabaul, bay trong thiếp ngủ, bay trong khát khao trầm xuống biển xanh để chấm dứt đau đớn thể xác. Những trang sách đậm đặc sống chết, đậm đặc bản năng con người....

- Collecting from somewhere on the cyber network.....

1 nhận xét: